Editor6K 30/06/2023

Chúng ta thường hay nghe nói nhiều về trí thông minh (IQ) cũng như cách rèn luyện tư duy, trí thông minh để học nhanh hơn, tính toán giỏi hơn,…Vậỵ, bạn đã có bao giờ nghe đến trí tuệ cảm xúc (EQ) và hiểu thật rõ nó là gì chưa? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá rõ hơn về trí tuệ cảm xúc (EQ), lý giải tầm quan trọng của nó trong cuộc sống hàng ngày cũng như tìm ra cách để rèn luyện và phát triển EQ! Hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ về tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc để chúng ta có thêm động lực để tìm ra cách phát triển nó nhé!

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là gì và tầm quan trọng của nó

Trí tuệ cảm xúc là gì?

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EQ) là khả năng nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình và của người khác. Nó bao gồm khả năng nhận biết cảm xúc, kiểm soát cảm xúc, sử dụng cảm xúc một cách thông minh và quản lý mối quan hệ xã hội một cách hiệu quả.

 

Tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ)

Khi bạn là một người có EQ cao, bạn sẽ có khả năng hiểu rõ cảm xúc của mình, từ đó quản lý chúng một cách hiệu quả và hạn chế được khả năng rơi vào tình trạng tiêu cực kéo dài. Chính điều này sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn, có khả năng kiểm soát căng thẳng, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tương tác xã hội. Bạn là một người tinh tế, hiểu tâm lý người khác thì hiển nhiên đây chính là một lợi thế giúp bạn xây dựng, duy trì được các mối quan hệ tốt, tạo sự gần gũi và sự tin tưởng. Ngoài ra những người sở hữu EQ cao thường giao tiếp rất hiệu quả cũng như luôn biết cách giải quyết xung đột và xây dựng môi trường làm việc lành mạnh.

 

Các năng lực thành phần cơ bản của EQ

Ảnh minh họa

Một người có trí tuệ cảm xúc cao không chỉ có sự nhạy cảm mà còn sở hữu nhiều năng lực nhận thức liên quan để cấu thành nên trí tuệ cảm xúc. Hãy cũng 6K International tìm hiểu ngay xem EQ bao gồm những năng lực cơ bản nào nhé!

 

Nhận thức cảm xúc (Emotional Awareness)

Đây là khả năng nhận ra và hiểu rõ các cảm xúc cá nhân. Nhận thức cảm xúc giúp chúng ta nhận biết và định danh được các cảm xúc cụ thể mà chúng ta đang trải qua, bao gồm cảm xúc vui, buồn, tức giận, lo lắng, sợ hãi và nhiều hơn nữa. Bằng cách nhận thức và nhận biết cảm xúc, chúng ta có thể đưa ra các phản ứng và quyết định tỉnh táo và xây dựng một cách hiệu quả.

 

Kiểm soát cảm xúc (Emotional Control)

Điều này liên quan đến khả năng kiểm soát và quản lý cảm xúc cá nhân. Kiểm soát cảm xúc không có nghĩa là chúng ta phải kiềm chế hoặc từ chối cảm xúc, mà là khả năng biết cách xử lý và điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh và xây dựng. Điều này bao gồm việc học cách giải tỏa căng thẳng, đánh giá lại tư duy và chọn cách phản ứng phù hợp trong các tình huống khác nhau.

 

Sự nhạy cảm (Empathy)

Sự nhạy cảm là khả năng hiểu và đồng cảm với cảm xúc và trạng thái tâm lý của người khác. Khi chúng ta có sự nhạy cảm, chúng ta có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và cảm nhận và hiểu rõ cảm xúc và trạng thái tâm lý của họ. Điều này giúp chúng ta xây dựng một môi trường giao tiếp và quan hệ tốt hơn, tăng cường sự đồng cảm và đánh giá chính xác nhu cầu và mong muốn của người khác.

 

Quan tâm đến cảm xúc của người khác (Concern for Others’ Emotions)

Điều này liên quan đến sự quan tâm và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Khi chúng ta có sự quan tâm đến cảm xúc của người khác, chúng ta thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối tác giao tiếp, và có khả năng phản ứng một cách phù hợp và hỗ trợ đối với những cảm xúc mà họ đang trải qua. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy và tạo ra sự kết nối tốt hơn với người khác.

 

Tự nhận thức và kiểm soát cảm xúc

Ảnh minh họa

Để hiểu – quản lý hiệu quả suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, thì chúng ta nên bắt đầu rèn luyện những kỹ năng sau để dần hoàn thiện cột EQ của mình nhé.

Tự quan sát và nhận biết cảm xúc

Tạo thói quen tự quan sát và tự đặt câu hỏi cho cảm xúc của bạn (ví dụ như bạn đang không thoải mái thì hãy đặt câu hỏi cho mình là “Mình đang không thoải mái vì lý do gì?”, “Cảm xúc không thoải mái này chính xác nên được gọi là gì? (tức giận, ghen tị, bực dọc, hờn dỗi,…). Chú ý đến biểu hiện cơ thể như nhịp tim, hơi thở, cơ bắp và biểu hiện khuôn mặt (nhăn mặt, cau mày, cười nhẹ,…), việc làm này ngoài giúp bạn hiểu được mình mà còn có thể nắm bắt được cảm xúc của người khác.

Quản lý stress và áp lực

Học các bộ môn giúp giảm căng thẳng như thiền, yoga, chạy bộ, đi xe đạp hoặc viết nhật ký. Những việc làm này giúp bạn tăng độ tập trung và ngăn chặn tâm trí suy nghĩ quá nhiều về những vấn đề tiêu cực trong lúc thực hiện các hoạt động ấy. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng kỹ năng quản lý thời gian để giảm bớt áp lực và tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống. Ví dụ như để dành toàn bộ thời gian sau 18h cho bản thân và gia đình thì trước đó bạn hãy thật tập trung để hoàn thành các đầu việc cần giải quyết. Hãy đặt cho bản thân những quy tắc, nếu quy tắc ấy đúng và hợp lý thì chắc hẳn những người xung quanh cũng sẽ tôn trọng và ủng hộ bạn thôi.

Sử dụng kỹ năng tự điều chỉnh

Nói một cách dễ hiểu thì đây là cách đánh giá lại suy nghĩ và cảm xúc của bạn bằng cách thay đổi góc nhìn hoặc tìm kiếm thêm những bằng chứng liên quan để đánh giá lại vấn đề thật chính xác. Việc này giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận cách một vấn đề diễn ra dù tốt xấu như thế nào. Hãy tập trung vào các suy nghĩ tích cực và điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực theo hướng góp ý, xây dựng. Ví dụ như bạn đang cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng, thay vì tập trung vào việc bây giờ mình quá mệt mỏi và không làm được gì cả, mình vô dụng hoặc không có sức chịu đựng thì bạn hãy điều chỉnh những suy nghĩ ấy theo hướng xây dựng, động viên như hiện tại mình đang mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng là vì mình đã rất cố gắng trước đó và bây giờ là lúc mình cần được nghỉ ngơi. Rồi mình sẽ lấy lại được năng lượng để cố gắng nhiều hơn! Ngoài ra, việc sử dụng các câu nói truyền cảm hứng sẽ giúp bạn vực dậy tinh thần trong những lúc chán chường, bế tắt.

Thực hành tự chăm sóc:

Cách để có một trí tuệ cảm xúc cao thì trước tiên bạn phải có một tâm hồn “khỏe”. Chỉ khi nó thật sự được chăm sóc và khỏe mạnh thì bạn mới có thể học thêm và phát triển nó. Hãy dành thời gian cho bản thân và thư giãn cơ thể như ngủ đủ giấc, ăn thật ngon và khoa học hay tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc yêu thích hoặc tham gia vào các hoạt động sáng tạo. Khi bạn trở nên thoải mái, vui vẻ thì cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone hạnh phúc hơn, điều này vô cùng hữu ích cho tâm trí của chúng ta.

 

Lợi ích của việc rèn luyện và nâng cao trí tuệ cảm xúc

Ảnh minh họa

 

Bằng cách phát triển và áp dụng những kỹ năng này, bạn sẽ có khả năng đưa ra quyết định một cách tỉnh táo, đánh giá tình huống một cách khách quan thay vì bị chi phối mạnh mẽ bởi cảm xúc. Điều này hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc xây dựng niềm tin, động lực để thực hiện mục tiêu của chính mình. Ngoài ra, khi có xung đột diễn ra, nhờ khả năng điều chỉnh cảm xúc bạn có thể điều chỉnh phản ứng của mình và hiểu được tâm lý của đối phương để đưa ra hành động sáng suốt, tránh xung đột gia tăng để từ đó cùng nhau tìm kiếm giải pháp hòa giải.

 

Kết luận

Như vậy là 6K International đã cùng bạn tìm hiểu thêm một vài kiến thức bổ ích về trí tuệ cảm xúc cũng như cách rèn luyện và phát triển nó. Hãy nhớ rằng EQ không chỉ quan trọng trong chuyện tình cảm, các mối quan hệ mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong chính sự nghiệp của chúng ta. Người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ là người làm chủ được cuộc chơi cũng như cuộc đời của chính mình. Follow fanpage của 6K International để cập nhật nhanh nhất những thông tin bổ ích cũng như  những khóa học phát triển bản thân phù hợp với chính mình nhé!