quantriweb 18/06/2024
Cách nhận biết môi trường làm việc toxic

Ảnh minh họa

Một môi trường làm việc độc hại có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm lý và thể chất của bạn, cũng như làm giảm tinh thần nhiệt huyết vì sự nghiệp của bạn đáng kể. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu và biết cách bảo vệ bản thân là những bước quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cũng như tinh thần của bạn. Hãy cùng 6K International tìm hiểu xem dấu hiệu của một môi trường làm việc độc hại là gì cũng như cách bảo vệ mình khỏi những điều “toxic” đó nhé!

Môi trường làm việc độc hại là gì?

Dấu hiệu nhận biết

Ảnh minh họa

Một môi trường làm việc độc hại được đặc trưng bởi không khí làm việc không lành mạnh và không hiệu quả, thường sẽ do chức năng quản lý kém, thái độ truyền đạt thông tin tiêu cực và các mối quan hệ đố kỵ, tị nạnh lẫn nhau. Các chỉ báo phổ biến của một môi trường làm việc độc hại bao gồm:

Tỷ lệ nghỉ việc cao: Nếu tại nơi bạn làm, lượng nhân sự thay mới liên tục thì cho thấy rằng tỷ lệ nghỉ việc xảy ra thường xuyên, điều này có thể là một tín hiệu đỏ cho thấy sự bất mãn và các vấn đề tiềm ẩn trong công ty.

Thiếu sự tương tác: Người ta hay nhầm lẫn giữa một môi trường làm việc nghiêm túc là một môi trường phải tập trung vào công việc như một “lớp học” đúng nghĩa. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, bạn thấy đó, việc giao tiếp là một yếu tố rất quan trọng để gắn kết tình đồng đội, để giải quyết các vấn đề cũng như chia sẻ quan điểm cá nhân để vừa giúp công việc có thể vận hành một cách hiệu quả và cũng vừa giảm bớt hiểu lầm chốn công sở. Giao tiếp kém từ phía quản lý hoặc giữa đồng nghiệp có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng và làm cạn kiệt tinh thần làm việc của mỗi người.

Văn hóa công ty tiêu cực: Nói một cách cụ thể thì ở đây luôn xuất hiện sự thiên vị, thói “ma cũ ăn hiếp ma mới”, xu nịnh, hay nói xấu sau lưng người khác và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Khi phải làm việc trong một môi trường như vậy thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị rơi vào trạng thái căng thẳng thậm chí là overthinking khi phải dè chừng ánh mắt của người khác.

Quản lý chi tiết: Thiếu sự quản lý cũng không tốt nhưng việc giám sát quá mức cũng không hay một chút nào, việc này có thể dẫn đến sự suy giảm động lực và sự tự chủ của nhân viên. Môi trường làm việc độc hại cũng có thể bắt nguồn từ những nỗi bất mãn trong quá trình bị quản lý chặt chẽ đó.

Bị vắt kiệt sức lao động: Việc cống hiến hết mình cho công ty với việc vắt cạn sức lao động chỉ khác nhau ở một khía cạnh. Đó chính là ở nơi bạn làm việc hết mình nhưng được công nhận và khen thưởng xứng đáng – đấy gọi là công hiến. Nhưng ở một nơi mà sức lao động của bạn không được nhìn nhận và khen thưởng xứng đáng thì đó gọi là sự vắt kiệt. Hãy nhìn nhận rõ điều này và trân trọng sức lao động của mình hơn nhé!

Thiếu cơ hội phát triển: Nếu một công ty cung cấp ít hoặc không có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp thì bạn cũng nên suy nghĩ lại về sự gắn bó lâu dài. Vì không ai xứng đáng phải làm công ở cùng một vị trí suốt đời cả, phải có lộ trình và cơ hội thăng tiến rõ ràng mới cho chúng ta thêm mục tiêu để nỗ lực và cố gắng. Nhu cầu sống của 10 hay 20 năm sau là khác nhau, thế nên chúng ta không thể sống ổn khi làm cùng 1 vị trí và mức lương không mấy chênh lệch sau 10 hay 20 năm nữa.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân trong môi trường làm việc độc hại

Bảo vệ bản thân khỏi môi trường tiêu cực

Ảnh minh họa

Đặt ra giới hạn: Tránh mang công việc về nhà hoặc kiểm tra email ngoài giờ làm việc trừ những việc gấp và mang tính cấp thiết cao. Ngoài ra, bạn cũng nên có những tiêu chuẩn trong công việc để dựa theo đó mà đặt ra giới hạn cho bản thân. Việc không có những tiêu chuẩn, chuẩn mực rõ ràng sẽ khiến chúng ta dễ bị cuốn theo môi trường xung quanh, nhịp hoạt động của mọi người xung quanh.

Tìm kiếm sự hỗ trợ: Ai trong chúng ta cũng nên có một nhóm đồng nghiệp tin cậy có thể hỗ trợ chúng ta, nhưng nếu môi trường ấy toxic tới mức bạn luôn cảm thấy cô đơn và không có một ai để đồng hành thì đây quả thực là dấu hiệu đáng báo động rồi đấy.

Tập trung vào chăm sóc bản thân: Ưu tiên các hoạt động giảm stress như tập thể dục, sở thích và dành thời gian với người thân thay vì cố gắng tìm kiếm và chạy theo những mối quan hệ đã rõ không cùng quan điểm.

Tìm dấu hiệu đỏ: Chú ý đến các dấu hiệu của độc hại trong buổi phỏng vấn, chẳng hạn như tỷ lệ nghỉ việc cao và nhận xét tiêu cực từ nhân viên hiện tại, nhân viên cũ hoặc trong cách bạn quan sát vào những ngày đi làm đầu tiên. Vì suy cho cùng trực giác đầu tiên của chúng ta luôn khá là đáng tin cậy và muốn có được một trực giác nhạy bén thì bạn nên đầu tư phát triển nhiều hơn vào trí tuệ cảm xúc của bản thân. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong công việc lẫn đời sống.

Tìm kiếm một công việc mới: Nếu nhận ra chốn công sở ở công ty bạn được xếp vào diện môi trường làm việc độc hại thì hãy lên kế hoạch update CV, bắt đầu tìm kiếm công việc trước khi chính thức nghỉ việc. Vì như vậy thì thu nhập của bạn cũng sẽ không bị ngắt quãng và đảm bảo được tình hình kinh tế của bản thân. Nhưng nếu bạn muốn được thư giãn một thời gian cũng rất đáng thử, chỉ cần bạn cảm thấy ổn nếu phải chuẩn bị tinh thần tìm việc trong vài tháng thì không sao cả.

Kết luận

Như vậy là 6K International đã giúp bạn chỉ ra những dấu hiệu bạn nên quan sát để nhận biết xem đâu là một môi trường làm việc độc hại. Nếu bạn thấy mình đang làm việc trong một môi trường như vậy thì việc hành động là cực kỳ cần thiết. Hãy trang bị cho mình những phương thức giúp bản thân miễn dịch trước những điều tiêu cực đó. Hy vọng bạn sẽ sớm tìm ra được một môi trường lý tưởng để làm việc và phát triển nhé!