quantriweb 25/12/2023

Cảm xúc tiêu cực có thể có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của trẻ em. Môi trường gia đình và cách cha mẹ giáo dục có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cảm xúc ở trẻ. Hình ảnh những đứa trẻ tự ti, luôn có cảm xúc tiêu cực thường được nuôi dưỡng bởi 3 kiểu cha mẹ như thế nào và sẽ mang đến hệ lụy nghiêm trọng thế nào hãy cùng 6K International tìm hiểu ngay sau đây nhé!

 

Cha mẹ luôn mang trong mình cảm xúc tiêu cực

Trong giáo dục trẻ em, việc kiểm soát, quản lý cảm xúc của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường gia đình tích cực và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc cha mẹ luôn mang trong mình cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của con trẻ thông qua việc:

 

Chuyển giao cảm xúc tiêu cực

Cha mẹ thường xuyên truyền tải cảm xúc tiêu cực của mình cho con dưới nhiều hình thức khác nhau như có thể thông qua ngôn ngữ cơ thể, cách nói chuyện hoặc hành động. Ví dụ, khi cha mẹ lo lắng, căng thẳng hay buồn bã, trẻ có thể cảm nhận được điều này và hấp thu một cách thụ động những cảm xúc tiêu cực này và chuyển giao thành cảm xúc của chính bản thân mình.

Cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý trẻ

Trẻ em có một tâm hồn rất nhạy cảm và chúng có luôn cảm nhận vấn đề một cách mạnh mẽ hơn cách một người lớn tiếp nhận. Nên khi cha mẹ bị chi phối hành động, lời nói bới những cảm xúc tiêu cực sẽ khiến trẻ cảm thấy bối rối, lo lắng hoặc thậm chí cảm thấy bản thân đáng trách vì không thể giúp cha mẹ vượt qua hoặc ba mẹ không vui là do mình đã làm sai điều gì đó mà mình không nhận ra.

Mô hình hành vi sai lệch

Dù đã nói rất nhiều lần nhưng một lần nữa 6K International lại phải khẳng định rằng “Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ” hay nói một cách khác thì cha mẹ là một mô hình hành vi mà con cái sẽ dựa theo và học hỏi nhiều nhất. Khi trẻ thấy cha mẹ không thể kiểm soát cảm xúc của mình, họ có thể học được cách phản ứng tiêu cực khi đối mặt với những tình huống khó khăn.

Cảm xúc tiêu cực gây khó khăn trong việc phát triển sức mạnh tinh thần

Việc cha mẹ mang trong mình cảm xúc tiêu cực sẽ là một rào cản lớn trong việc phát triển sức mạnh tinh thần của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng tự tin, sự tự lập và khả năng giải quyết vấn đề. Nói một cách dễ hiểu thì cha mẹ còn không làm chủ được cảm xúc của mình, không có một sức khỏe tinh thần mạnh mẽ thì làm sao nuôi dưỡng con cái phát triển một cách toàn diện được.

 

Cha mẹ không quan tâm đến con cái

Phụ huynh không thể hiện sự quan tâm hoặc không dành thời gian để lắng nghe và tìm hiểu về cảm xúc của con sẽ khiến con trẻ tự ti và hình thành nên cảm giác bị bỏ rơi,  không được chấp nhận, từ đó sợi dây kết nối của cha mẹ và con cái ngày càng bị mỏng dần theo thời gian. Dưới đây là một số điểm cụ thể về những ảnh hưởng của cách cư xử này:

 

Sống trong cô đơn và tự ti

Trẻ em cảm thấy cô đơn và tự ti rất nhiều khi không có được sự hỗ trợ, sự quan tâm từ phía cha mẹ. Cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng và thiếu thốn tình thương chính là tác nhân lớn nhất để tạo ra một đứa trẻ khó gần, ít nói và kém phát triển về mặt trí tuệ cảm xúc và đồng thời điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như khả năng xử lý stress, chia sẻ ý kiến cá nhân của trẻ trong thương lai.

 

Kỹ năng xã hội yếu kém

Những đứa trẻ không được cha mẹ quan tâm, không được thường xuyên trò chuyện với cha mẹ từ khi còn nhỏ sẽ làm cho kỹ năng giao tiếp và kết nối của chúng bị bào mòn đi cho đến khi chúng không còn biết cách sử dụng nó nữa. Không thể kết nối với xã hội bên ngoài sẽ khiến con trẻ tự ti về bản thân và ngày càng thu mình lại. Bên cạnh việc yếu kém trong các hành vi, kỹ năng xã hội thì những đứa trẻ này luôn là những đối tượng tiềm năng của những lối sống, hành vi xã hội tiêu cực. Việc trẻ em tiếp xúc, đứng trước những vấn đề xấu của xã hội không phải là việc hiếm thấy và hầu như đứa trẻ nào rồi cũng sẽ phải trải qua những giai đoạn bốc đồng để phát triển ấy. Nhưng điều muộn màng của những bậc làm cha mẹ là mãi đến những giai đoạn phát triển ý thức một cách mạnh mẽ ở tuổi dậy thì ở trẻ thì cha mẹ mới nhận ra tầm quan trọng của sợi dây kết nối. Vậy nên hãy trò chuyện, quan tâm con một cách kịp thời và đúng đắn nhé!

 

Cha mẹ phủ nhận mọi nỗ lực của con

Có một bộ phận phụ huynh hiện nay vẫn còn có kiểu nhận thức rằng “chê để biết đường mà cố gắng, được khen sẽ nghĩ mình giỏi rồi hình thành sự ngạo mạn, kiêu căng”. Thật đấy, vẫn còn rất nhiều cha mẹ dạy con theo cách thiếu khoa học ấy, luôn chê bai con và lấy một hình mẫu “con nhà người ta” tốt hơn và nghĩ rằng để con thấy mình chưa tốt mà cố gắng hơn nữa. Những suy tính một cách thực tế và công bằng dưới cương vị là những cá thể độc lập dù là trẻ em, người trưởng thành, người lão niên thì đã là con người sẽ không một ai thích bị la mắng, chỉ trích và vạch lỗi mọi lúc. Với trẻ con, càng được khen thì càng tiến bộ, càng chê bai thì càng sa sút. Việc cha mẹ luôn chê bai sẽ làm con trẻ tự ti, hoài nghi về năng lực của mình. Cha mẹ đừng lúc nào cũng tập trung vào kết quả cuối cùng của con mà hãy nhìn nhận cả quá trình con thực hiện, cái nào con làm tốt hãy khen con, điều còn thiếu sót hãy góp ý và giúp con cải thiện. Bởi vì tiềm năng phát triển của trẻ con rất lớn, nên một bước lùi tạm thời không có nghĩa là một bước lùi trong tương lai. Hãy khen ngợi, động viên, cho con cảm thấy thoải mái và hạnh phúc ngay trong chính gia đình mình trước. Từ đó, trẻ sẽ tự tin bộc lộ năng khiếu của mình trước những người xung quanh.

 

Kết

Mong là qua những thông tin mà 6K International vừa chia sẻ trên sẽ giúp quý phụ huynh thấy được việc cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và hỗ trợ con trẻ vượt qua cảm xúc tiêu cực là không thể phủ nhận. Cảm xúc tiêu cực có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau cũng như cách cha mẹ đối mặt, xử lý sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của con và tác động sâu rộng đến sức khỏe tinh thần, sự phát triển của trẻ. Cha mẹ cũng có thể chủ động học thêm cách phát triển trí tuệ cảm xúc trong việc nuôi dạy con cái để có định hướng đúng đắn trong việc Dạy con bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc. 6K International hy vọng rằng các bậc làm cha mẹ cần nhận thức và thấu hiểu tầm quan trọng của việc làm chủ cảm xúc của mình, đồng thời cố gắng xây dựng một môi trường tích cực, nơi mà sự quan tâm, chia sẻ và thông cảm luôn được đặt lên hàng đầu!