quantriweb 22/05/2024

Đều là 24h mỗi ngày nhưng có người lại có thể làm rất nhiều việc trong 24h đó và thậm chí là nghỉ ngơi, thư giãn còn có người lại không bao giờ thấy đủ, luôn trong tình cảnh “bận quá”, luôn thiếu thời gian để làm bất cứ công việc gì xảy đến. Nếu chịu khó nhìn nhận lại thì có khi bạn đang vô tình “nuôi dưỡng” 6 thói quen làm mất thời gian của bạn hay chúng ta có thể gọi là 6 kẻ cắp thời gian một cách âm thầm! Hãy cùng 6K International xem 6 thói quen này là gì và nhanh tay loại bỏ đi kẻo muộn nhé!

6 thói quen làm mất thời gian của bạn

Thói quen lướt điện thoại trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy

nghiện điện thoại

Sử dụng điện thoại trước khi ngủ và ngay sau khi thức dậy

Bạn cho rằng việc xem điện thoại trước khi ngủ hoặc sau khi thức dậy là một cách bạn “cập nhật tin tức”. Nhưng thú thật xem, có ai cập nhật tin tức chính sự mà hẳn 2 tiếng, 3 tiếng không? Thật ra, ý định lúc đầu của chúng ta thật sự mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng vì sự hấp dẫn của các video giải trí và thói quen lướt đã khiến bản vô thức đắm mình trong không gian ảo hẳn hàng giờ đồng hồ từ đó dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ cũng như năng lượng và thời gian trong ngày của chúng ta. Vậy nên không gì bất ngờ nếu thói quen này đứng đầu bảng xếp hạng các thói quen làm mất thời gian của bạn

Không lười biếng nhưng luôn “trì hoãn”

Thật sự thì thói quen trì hoãn là kẻ thù đáng sợ nhất đối với tương lai của một người. Và chắc vẫn còn bạn hiểu lầm người trì hoãn là người lười biếng. Thế nên chúng ta cần làm rõ điều này. Người làm biếng là người luôn trì hoãn, nhưng người trì hoãn không hẳn là người làm biếng. Vì sao lại nói thế? Ví dụ một cách dễ hiểu như là việc bạn cần làm là viết luận văn, nhưng khi ngồi vào bàn để viết thì bạn lại sực nhớ ra bồn chén chưa rửa, quần áo chưa phơi hay email chưa trả lời hay thậm chỉ là quyển sách hay đang đọc dang dở và rồi đi làm những chuyện đó cho xong. Tức là người trì hoãn sẽ làm hết tất cả những việc khác ngoại trừ việc họ CẦN PHẢI LÀM. Điều này dẫn đến tình huống bạn luôn trong tình trạng nước đến chân mới nhảy, luôn trong trạng thái thiếu thốn thời gian để làm mọi việc. Thói quen này không những làm mất thời gian của bạn mà thậm chí có thể bạn đánh mất tương lai của chính mình.

 

Thói quen trở thành một “couch potato”

couch potato

Ảnh minh họa “A couch potato”

Nếu bạn nào chưa biết thì “a couch potato” dùng để chỉ một người luôn ì ạch, không hoạt động gì, chỉ nằm xem TV. Đúng là ai cũng có quyền tự do chọn loại hình thư giãn cho chính mình và việc nằm dài trên ghế để lướt điện thoại hay xem TV cũng không phải là điều gì đáng trách. Nhưng chuyện sẽ khác nếu bạn “dung túng” bản thân đắm chìm trong hành động ấy mà không có một giới hạn. Việc này không chỉ khiến bản mất đi sự năng động của bản thân mà còn dần thỏa hiệp. Sẽ thật đáng sợ nếu những việc làm không tốt lại được thay đổi định nghĩa để hợp thức hóa hành động của chúng ta! Và chính điều đó đã âm thầm cướp đi thời gian của bạn mà bạn không hay biết.

Thói quen ngồi lê đôi mách

Ngồi lê đôi mách dần trở thành 1 loại hình “giải trí” quen thuộc của các hội nhóm. Có những cá nhân là có chủ đích trong hành động của mình nhưng cũng có những người chỉ vì câu nệ, sợ mất lòng, sợ trở thành người ngoài lề của một nhóm bạn mà phải gượng ép bản thân tham gia những cuộc hẹn không hứng thú, phải nghe những câu chuyện mà mình không muốn nghe chỉ vì sợ khi vắng mặt một vài lần mình sẽ trở thành người ngoài của mọi cuộc vui. Nhưng đã là một người trưởng thành thật sự thì năng lực từ chối chính là thứ chúng ta nên trang bị. Nếu cứ chấp nhận mọi lời mời một cách không chọn lọc thì chỉ tổ làm mình lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc. Hãy dành thời gian thật sự chất lượng cho các mối quan hệ thực sự mang lại giá trị cho bản thân và cảm nhận được sự hòa hợp giữa mình và các thành viên khác trong nhóm nhé!

Thói quen liên tục thay đổi mục tiêu

Sự thay đổi không hề sai, việc hiểu rõ bản thân và dừng lại kịp lúc là một loại năng lực “high level” mà không phải ai cũng có được. Nhưng ngược lại, khi sự tự tin cộng với thiếu trải nghiệm lại mang đến một kết cục khác. Có phải bạn đã từng rất tự tin, hừng hực khí thế và có rất nhiều mục tiêu sau khi đọc 1 quyển sách hay xem 1 video truyền cảm hứng chạm được đến bạn không? Và rồi trong quá trình hành động gặp phải khó khăn không nằm trong dự tính trước đó, thay vì chọn cách tìm ra phương hướng giải quyết thì bạn lại chọn cách thay đổi mục tiêu vì cho rằng “MÌNH KHÔNG HỢP”. Cứ như thế hết mục tiêu này đến mục tiêu khác và đến cuối cùng, vừa mất thời gian mà lại không đạt được bất kỳ mục tiêu nào thêm vào đó bản thân còn rơi vào sự tự tin và dần mất niềm tin vào chính mình. Thế nên thay vì chọn nhảy qua một bức tường cao 2m, bạn hãy tìm bức tường cao 30cm rồi nhảy qua và tiến hành nâng cấp từ từ là được.

Thói quen cầu toàn hóa mọi thứ

So với tư duy nhị nguyên thì tư duy cầu toàn cũng sở hữu những mặt tiêu cực tìm ẩn đằng sau đó. Nếu không chấp nhận được việc vạn sự trên đời đều không hoàn hảo thì sẽ chỉ khiến bạn ngày càng mệt mỏi và cảm thấy cả thế giới như đang chống đối mình. Một bức tranh nếu chỉ đứng thật gần và soi những tiểu tiết thì sẽ chẳng bao giờ mình nhìn thấy được vẻ đẹp của toàn bức tranh cũng như nếu cứ chấp nhặt những chuyện vặt vãnh thì chuyện lớn sẽ khó mà thành.

Các cách loại bỏ những thói quen làm mất thời gian của bạn

Thay đổi thói quen xấu

Loại bỏ và thay thế để thiết lập các thói quen mới

Nhìn nhận lại các thói quen và tiến hành chọn lọc

Trước hết, bạn hãy xác định những thói quen làm mất thời gian của bạn hiện tại. Điều này có thể bao gồm việc lướt Facebook quá nhiều, xem TV hàng giờ, hoặc ngủ quá giờ vào buổi sáng. Dành một khoảng thời gian để tự đánh giá và nhận biết các thói quen không cần thiết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và làm thế nào để thay đổi chúng một cách thực tế và hiệu quả nhất.

Lên kế hoạch và mục tiêu cụ thể, vừa tầm

Một kế hoạch cụ thể được đặt ở những nơi dễ nhìn thấy nhất sẽ giúp bạn luôn ghi nhớ mục tiêu hiện tại của mình và nhắc nhỡ bản thân tránh xa những tác nhân, thói quen làm mất thời gian của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật SMART: Specific (Tính cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả năng thực hiện), Realistic (Tính thực tế), Time-bound (Khung thời gian) để hỗ trợ bản thân trong kế hoạch này. Bên cạnh đó, hãy nhớ là đặt cho bản thân những mục tiêu vừa tầm để tránh bị nãn khi không đạt được mục tiêu chỉ vì do bạn đưa ra tiêu chuẩn quá khó. Ví dụ như thay vì đặt mục tiêu là không đụng đến điện thoại ngoại trừ việc nghe gọi trong 1 tuần thì thật sự quá gượng ép và thiếu thiết thực. Đừng nói đến 1 tuần, chỉ cần 1 ngày thôi là bạn đã thấy bứt rứt, khó chịu trong người rồi thì làm sao có còn sức lực mà thực hiện kế hoạch này trong 6 ngày tới chứ. Thay vì như vậy bạn hãy thiết lập 1 thời gian cố định trong ngày để mình được phép giải trí trên điện thoại và sau đó giảm dần thời lượng xuống. Như vậy thì bộ nhớ và cảm xúc của bạn sẽ có thời gian thích nghi và hợp tác với bạn hơn nhiều. Hay bạn muốn có thêm thời gian làm việc nên chọn cách dậy sớm, nhưng biến đổi đồng hồ sinh học đột ngột sẽ khiến bạn thêm mệt mỏi, vậy nên bạn sẽ phải tìm cách làm sao để dậy sớm những vẫn hiệu quả để đưa vào kế hoạch của mình.

Tạo môi trường thuận lợi

Thay đổi môi trường xung quanh bạn cũng là một cách để bạn loại bỏ thói quen làm mất thời gian trong ngày. Điều này có thể bao gồm việc bạn chọn tự học hoặc làm việc tại một nơi được loại bỏ hoàn toàn các yếu tố gây xao nhãng như là điện thoại, tiếng ồn, TV,…hay thiết lập một không gian làm việc sạch sẽ và gọn gàng, và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình hoặc bạn bè.

Thay thế thói quen

Thay thế thói quen là một cách vừa giúp bạn loại bỏ được thói quen làm mất thời gian mà còn giúp bổ sung thói quen tốt vào routine của mình nữa. Vì nếu chỉ loại bỏ mà không bổ sung thì hẳn một ngày của bạn trôi qua sẽ rất chán vì thiếu hoạt động để làm thế nên loại bỏ thì cũng phải có thêm vào để mọi thứ được cân bằng. Chẳng hạn, thay vì lướt Facebook, bạn có thể đọc một cuốn sách, tập thể dục, hoặc học một kỹ năng mới. Điều quan trọng là tìm ra những hoạt động thay thế có thể mang lại giá trị và hạnh phúc cho cuộc sống của bạn.

Luôn động viên

Động viên chính mình trong quá trình thay đổi hoặc tìm đến sự động viên từ người khác hay thậm chí là những video, bài viết truyền động lực phù hợp với hoàn cảnh của chính mình chính là yếu tố giúp bạn vực dậy tinh thần mỗi khi sự thèm muốn tận hưởng sự thoải mái độc hại trong quá khứ. Ngoài ra hãy luôn theo dõi tình hình hành động của bạn thân để có hướng điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp nhé! Bạn cũng có thể xem thêm 7 cách sử dụng thời gian hiệu quả trong 1 ngày để tìm thêm ý tưởng.

Kết

Như vậy thì chúng ta đã thành công tìm ra 6 thói quen làm mất thời gian của bạn trong một ngày cũng như tìm được các phương pháp để đối phó với chúng. 6K International hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn kịp thời nhìn ra những thói quen cần được thay đổi của chính mình để từng ngày trở nên tốt hơn và tương lai sẽ trở thành phiên bản mình hằng mơ ước nhé!